Ao hồ nhỏ, giải pháp bền vững chống hạn của hộ dân ở Đăk Nông

Khuyến khích, hỗ trợ người dân đào ao, làm hồ nhỏ dự trữ nước từ mùa mưa để phục vụ chống hạn cho cây trồng vào mùa khô đang được ngành chức năng coi là một trong những giải pháp có tính bền vững, khả thi cao.

Người dân đã chủ động triển khai

Gia đình ông Trần Xuân Tuất ở thôn 9, xã Nam Bình (Đắk Song) có 2 ha cà phê. Những năm qua, nguồn nước tưới đều dùng từ 2 chiếc ao được ông đào từ trước.

Năm nay, khô hạn diễn ra gay gắt, nguồn nước trong ao bị hao hụt nhiều nên ông phải thuê xe múc về múc bớt bùn, nạo vét lại lòng ao để tăng khả năng dự trữ nước. Chính vì thế, đến nay, nước vẫn đủ tưới cho vườn cây phát triển bình thường.

Nhờ nguồn nước dự trữ từ ao mà vườn cà phê của gia đình ông Trần Xuân Tuất ở thôn 9, xã Nam Bình (Đắk Song) luôn xanh tốt

Ông Tuất cho biết: “Do điều kiện rẫy của gia đình xa công trình thủy lợi nên để có nước tưới chỉ có cách là múc ao, mỗi ao khoảng 200 m2 cũng phải mất khoảng 30 triệu đồng nhưng lợi ích nó mang lại khá lớn. Nó đã giúp dự trữ nước, điều hòa không khí cho xung quanh, rất thích hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay. Hơn nữa so với việc khoan giếng thì ít tốn kém và bảo vệ được nguồn nước ngầm hơn rất nhiều”.

Được biết, nhờ có đủ nước tưới trong mùa khô cộng với việc được chăm sóc đúng quy trình nên hằng năm, ông thu về trên dưới 9 tấn cà phê nhân. Tương tự, từ 5 năm trước, anh Nguyễn Văn Hùng ở thôn 12, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) và 3 hộ dân sản xuất trong vùng đã cùng nhau xây dựng một hồ lớn với diện tích khoảng 500 m2 để tưới cho các loại cây trồng như cà phê, cam, quýt.

Do hồ được đào ở khu vực cao, gần sát đỉnh núi nên mỗi hộ dân phải đóng góp chi phí gần cả trăm triệu đồng. Nhưng điều đáng nói là từ nhiều năm nay, nguồn nước ở hồ này chưa bao giờ cạn, giúp cho khoảng 30 ha đất sản xuất của người dân có đủ nước tưới.

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh thì tỷ lệ cây trồng có nước tưới trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện tại mới đạt 68%. Trong đó, công trình thủy lợi mới đáp ứng được 34% diện tích cây trồng có tưới, còn lại 34% diện tích cây trồng được tưới từ sông suối, đập tạm, ao, hồ chứa nước nhỏ, giếng khoan, giếng đào của nhân dân. Và các công trình ao, hồ chứa nước nhỏ của hộ dân, nhóm hộ dân, hợp tác xã, tổ hợp tác chính là một giải pháp đang được ngành Nông nghiệp tỉnh quan tâm, khuyến khích phát triển. Toàn tỉnh hiện đã có trên 19.500 ao, hồ chứa nước của người dân nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần chi phí, kỹ thuật

Ông Lê Viết Thuận, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh cho biết: Lâu nay, việc đào ao, hồ hoặc giếng ở địa bàn tỉnh đều do người dân tự làm là chính, Nhà nước chưa có hỗ trợ nào. Đây là một giải pháp phòng, chống hạn có tính bền vững, tính khả thi cao nhất. Đa số diện tích cây công nghiệp đều là của hộ cá thể nên để bà con tự chủ nguồn nước tưới là phù hợp, phát huy tính chủ động, trách nhiệm. Hơn nữa, nguồn kinh phí của Nhà nước đầu tư cho xây dựng các công trình thủy lợi lớn còn hạn hẹp, khi xây dựng còn gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng, đền bù, di dời dân…

Hiện nay, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp-PTNT xây dựng đề án hỗ trợ người dân đào ao chứa nước nhỏ. Đề án này đang trong quá trình xem xét thông qua với các yếu tố quan trọng sẽ được tính đến như việc xây dựng ao, hồ nhỏ tại các vị trí sinh thủy mạch ngầm, lưu vực, thềm suối… Phương thức triển khai là nhân dân tự đầu tư hoặc nhân dân đầu tư, Nhà nước hỗ trợ.

Cụ thể, đối với hộ sản xuất cây trồng được thụ hưởng trực tiếp nguồn nước tưới từ ao, hồ nhỏ khi xây dựng hoàn thành thì người dân sẽ có trách nhiệm đóng góp ngày công lao động, kinh phí, diện tích đất (không tính toán đền bù, giải phóng mặt bằng) và tự duy tu, bảo dưỡng định kỳ. Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào ao, hồ nhỏ tùy vào địa bàn xã, thôn, hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên cơ sở cân đối ngân sách địa phương tỉnh, huyện.

Quy mô tối thiểu mỗi ao, hồ nhỏ phải bảo đảm diện tích mặt nước và dung tích nước như thế nào để đáp ứng nhu cầu chống hạn cho mỗi hộ, nhóm hộ hoặc cho mỗi hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại sản xuất đều đang được ngành chức năng tính toán. Khi đề án được thông qua, bà con còn được hỗ trợ kỹ thuật, máy móc, thiết bị nhằm bảo vệ nguồn nước ngầm, nước mặt, tránh làm ảnh hưởng, thay đổi các yếu tố về mạch, nguồn nước tự nhiên ở các sông, suối nhỏ. Có như thế thì người dân sẽ chủ động hơn trong việc chống hạn cho cây trồng, nhất là cây công nghiệp, giảm bớt áp lực của Nhà nước khi cứ phải “chạy đôn chạy đáo” cứu cây trồng của người dân mỗi khi thiếu nước, khô hạn xảy ra.

Ngồn: Phan bon EAKMAT

Comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.