Phòng trừ sâu, bệnh hại cây Điều

Để vườn Điều phát triển tốt, cho năng suất cao, việc phòng trừ sâu, bệnh là khâu đặc biệt quan trọng. Chúng ta đã biết một số sâu hại thường xuyên trên cây Điều: sâu đục thân, bọ xít muỗi, sâu đục lá, sâu đục chồi, sâu kết lá, sâu rọm đỏ, bệnh thán thư, đen rụng trái non… và một số loài ít quan trọng hơn như : châu chấu cắn lá, rệp hại bông, chồi. Dưới đây là một số biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hại điều.

  1. Sâu đục thân: Có 2 loại: Loại phá hại ở thân và loại đục cành.
  2. Sâu đục thân gốc: Trưởng thành là xén tóc màu nâu đỏ. Đầu ngực màu đậm hơn, dài khoảng 5 – 6cm, con cái đẻ trứng vào các vết nứt trên thân gần gốc. Sâu non nở ra có màu trắng vàng nhạt, đục vào phần mô vỏ, vì vậy có nhiều phân và chất thải ra giống mạt cưa cùng nhựa cây tiết ra từ lỗ đục. Giai đoạn sâu non kéo dài khoảng 7 – 8 tháng, lúc lớn nhất có thể dài 6 – 7cm. Nhộng thường ở phần vỏ gần mặt đất trong vỏ cứng màu trắng hình bầu dục dài.
  3. Sâu đục cành: Xén tóc màu đen có lốm đốm ở mặt lưng, kích thước khoảng 3,0 – 3,5cm, con cái đẻ trứng ở vỏ cây, thường ở các nơi phân cành. Sâu non nở ra đục vào cành, sâu non thường kết tơ kết dính phân và miếng vụn của cây tạo thành những dây dài.

* Phòng trừ

Sâu đục thân: Sâu có vòng đời dài, phá hại quanh năm, vì vậy cần thăm vườn thường xuyên để phát hiện sớm và phòng trừ bằng cách:

            – Vạch nơi sâu đục để bắt sâu, cưa bỏ các cành bị đục.

         – Dùng hóa chất: Dùng bình bơm hoặc “xơ lanh” bơm dung dịch thuốc trừ sâu như: Visumit 50ND, Pyrinex, Padan 95 SL, Karate 2,5EC, Fastac 5EC, Vibasu 50ND… hoặc đặt các miếng gòn có tẩm các loại thuốc trên vào lỗ nơi sâu đục, và bịt kín lỗ đục lại.

  1. Sâu chích hút hại bông

Đối tượng gây hại quan trọng nhất là bọ xít muỗi, ngoài ra còn có rầy (Aphid).

  1. Bọ xít muỗi: Con trưởng thành và con non có dạng gần giống nhau. Bọ xít có màu nâu đỏ, ngực đen. Trưởng thành dài khoảng 6 – 8mm.

            Con cái đẻ trứng vào chồi non, trứng thò 2 sợi râu ra ngoài. Thời gian sâu non ngắn khoảng 10 ngày. Cả con non và trưởng thành chích hút trên chồi non, lá non, cành hoa, trái non. Nơi chích hút có tiết nhựa, lá non bị chích khô trắng khô rụng, chồi non, cành hoa, trái non bị chích khô đen và rụng.

            Bọ xít muỗi thường gây hại nhiều lúc sáng sớm và chiều mát. Bọ xít có thể sống trên nhiều loại cây như: xoài, ổi, tiêu, vùng gần rừng chồi.

  1. Rầy (Aphid): Con non có dạng tròn lớn hơn hạt mè, màu hồng, có một lớp phấn trắng. Rầy bám thành từng mảng dầy trên chồi lá, chồi hoa chích hút nhựa, thường có nấm bồ hóng kèm theo. Rầy có thể hút nhựa ở trái non, sau đó trái non bị nấm ký sinh làm đen và rụng.

            * Phòng trừ

            – Bọ xít muỗi, rầy chích hút, phá hại nhiều vào giai đoạn Điều có bông cho năng suất. Vì vậy, từ tháng 9 – 11 dương lịch phải thường xuyên thăm vườn để phát hiện kịp thời, vệ sinh vườn và phòng trị.

            – Nếu phát hiện bọ xít muỗi, rầy nhiều có thể dùng các loại thuốc để phun như: Arrivo 25EC, Cyrux 25EC, Padan 95SP, Supracide 40EC, Decis 2,5EC.

            – Lưu ý: Nên phun thuốc lúc sáng sớm hoặc chiều mát thì hiệu quả diệt trừ mới cao. Không nên dùng các loại thuốc có nhũ dầu với nồng độ cao sẽ làm gây hại bông. Không nên phun thuốc khi bông Điều đã nở.

  1. Sâu, bọ: Gây hại nhiều trên lá và chồi, ảnh hưởng đến khả năng quang hợp và khả năng cho ra hoa. Có nhiều loại:
  2. Sâu đục lòn lá: Sâu rất nhỏ đục vào biểu bì lá non, tạo thành những vết phồng màu trắng.
  3. Sâu rọm đỏ: Sâu lúc nhỏ sống thành từng đàn trên một vài lá, khi lớn phát tán ra. Sâu hóa nhộng trong những kén tơ vàng ánh. Sâu có thể gây thành dịch lớn. Sâu xuất hiện nhiều vào đầu mùa khô.
  4. Sâu kết lá: Sâu non màu đen, nhả tơ kết lá thành tổ. Sâu xuất hiện nhiều vào đầu mùa khô.
  5. Sâu kèn: Thường có nhiều loài. Sâu thường nhả tơ kết lá thành tổ có dạng khác nhau tùy loài sâu sống bên trong, di chuyển cả tổ đi ăn phá lá. Sâu xuất hiện vào giữa mùa mưa (tháng 7, 8) và đầu mùa khô. Sâu có thể gây thành dịch.
  6. Câu cấu: Gồm những con thuộc bộ cánh cứng, có nhiều loài, kích thước thay đổi từ 5 – 6mm đến 15 – 18mm, có thể có màu xanh lá mạ ánh vàng hoặc màu nâu đen.

            Sâu thường buông mình rơi xuống khi bị động.

            Sâu có thể phá trên nhiều loại cây khác như : tràm bông vàng, ổi, đậu phộng…

  1. Bọ rầy: (sùng phân), sâu nái, cào cào, sâu vằn, mối… đôi lúc cũng gây hại cục bộ.
  2. Bọ đục chồi

            Có kích thước nhỏ, màu đen, phần miệng kéo dài như vòi voi. Con trưởng thành đẻ trứng vào các chồi non, sâu chích hút chồi làm cây không phát triển được, sâu phá hại nhiều vào giữa mùa khô.

            Nên cắt bỏ, gom đốt các chồi hư. Khi mật độ nhiều có thể dùng các loại thuốc  hóa học để phòng trị.

            * Phòng trừ

            – Có thể dùng các loại thuốc để phòng trị như : Visumit 50ND, Supracide 40EC, Padan 95SP,Sherpa 25EC, Oncol, Confidor, Decis 2,5EC, Fastac  5EC…

          – Cần chú ý về thời điểm phòng trừ là phun thuốc lúc điều ra đọt non và sử dụng đúng liều lượng và nồng độ thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất tránh gây lãng phí và tăng hiệu quả phòng trừ.

  1. Bệnh hại Điều

            Có thể nhận thấy các bệnh như chủ yếu như: thán thư, đen rụng trái non, bồ hóng, rong bám lá, đốm lá, thối cỗ rễ cây con… nhưng quan trọng hơn cả là bệnh khô chết cành.

4.1 Bệnh khô chết cành

            * Tác nhân và triệu chứng: do nấm Corticium salmonicolor còn gọi là nấm hồng gây ra.

            – Bệnh xuất hiện nhiều vào giữa mùa mưa (tháng 6 – 9), khi vườn có ẩm độ cao. Nấm thường tấn công vào các cành gây khô dần từ ngọn trở xuống. Lá trên cành bị bệnh vàng và rụng dần cùng với hiện tượng khô cành. Lúc đầu xuất hiện các đốm trắng trên vỏ cành, sau chuyển thành màu hồng.

            * Phòng trị

            – Cắt mang ra khỏi vườn, gom đốt bỏ cành bệnh.

            – Dùng Bordeaux bôi lên vết cắt. Phun Bordeaux 1% hoặc Validacin 3SL, Carbenzim,… phun lên cây bệnh.

–  Nơi thường bị bệnh có thể ngừa bằng Bordeaux 1% vào tháng 5 – 7 dương lịch.

4.2. Bệnh thán thư

Tác nhân và triệu chứng Bệnh do nấm Colletotrichum gloeosporoides gây ra. Các vết bệnh màu nâu, xuất hiện trên chồi non, lá,cành hoa và trái. Nếu bệnh nặng có thể thấy nhựa tiết ra trên vết bệnh, cành có thể bị khô và chết dần, hạt và trái non bị nặng có thể bị nhăn lại, khô đen hay rụng non.

* Phòng trừ: Vệ sinh vườn Điều, dọn cỏ và phát hoang bụi rậm làm cho vườn thông thoáng, Cắt tỉa và đốn các cành bị chết khô, cành sâu, bệnh nhằm tiêu diệt nguồn bênh trong vườn. Phun thuốc gốc đồng phòng bệnh cho cành lá khi cây đang ra lá non. Khi vườn Điều chuẩn bị ra hoa dùng Benlate, Anvil hay Aliette phun phòng bệnh.

Nguồn: Phân bón Eakmat

Comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.